Mua giày, đến sneakerdaily.vn!  - Thương hiệu bán lẻ Sneaker chính hãng số 1 về dịch vụ

Vì sao người Nhật lại yêu thích văn hóa Vintage Americana?

Giống như hàng hải và quân đội, nền văn hóa Vintage Americana đã có những ảnh hưởng và đóng vai trò nổi bật trong thời trang nam qua từng mùa trong lịch sử phát triển của ngành công nghiệp này.

Ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom nguyên tử thứ nhất mang tên “Little Boy” đã được thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Sau đó 3 hôm, ngày 9 tháng 8 năm 1945, quả bom thứ hai mang tên “Fat Man” đã phát nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki. Có rất nhiều thống kê về số nạn nhân và thiệt hại của hai vụ nổ này gây ra trên đất Nhật Bản. Theo đó, 140.000 người dân Hiroshima đã chết bởi vụ nổ cũng như bởi hậu quả của nó. Số người thiệt mạng ở Nagasaki là 74.000 người.

Hậu quả nó để lại cho người dân Nhật Bản về mặt thể xác lẫn tinh thần là không hề nhỏ. Thế nhưng câu hỏi được đặt ra là “Tại sao người Nhật lại có tình yêu mãnh liệt với văn hóa Mỹ – quốc gia đã trực tiếp gây tổn thất đến họ như vậy?”. Vì theo lý lẽ thông thường, họ phải là những người phẫn nộ, căm ghét những kẻ đã mang lại sự đau khổ trên đất nước mình.

Tuy nhiên, văn hóa Vintage Americana đã trở thành một trong những phong cách được yêu thích nhất tại xứ sở mặt trời mọc. Thậm chí, người Nhật còn tạo ra một phong cách riêng cho bản thân họ dựa trên nền tảng là văn hóa của Hoa Kỳ. Japanese Americana Style chính là minh chứng rõ ràng nhất.

Trước tiên, hơi dài dòng một tí để các bạn có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này. Minh Trị Duy Tân, (明治維新 Meiji-ishin) là một chuỗi những sự kiện diễn ra vào năm 1866 đến năm 1869 dẫn đến việc thay đổi to lớn trong xã hội và chính trị nước Nhật. Những năm 30 cuối thế kỷ XIX, nước Nhật đã công nghiệp hóa một cách nhanh chóng và trở thành một cường quốc. Các nhà tài phiệt, các công ty độc quyền thao túng nền kinh tế cũng bắt đầu xuất hiện. Đây chính là tiền đề cho tư duy thay đổi và phát triển của người Nhật nói chung.

Tuy ngày nay, nước Nhật đã vươn mình trở thành một cường quốc mà ai trong chúng ta cũng có phần nể phục nhưng nên nhớ sau Thế chiến thứ II, họ là nước chịu thất bại và phải trải qua công cuộc tái thiết từ 1950 đến 1960.

Bằng tất cả sự thực dụng của mình, người Nhật luôn giữ cho họ tinh thần “Duy Tân Minh Trị”. Họ sẵn sàng buông bỏ cái tôi để chấp nhận rằng nước Mỹ là kẻ thắng cuộc trong trận chiến và Nhật Bản cũng nhanh chóng nhận ra rằng, họ thiếu một thứ gì đó, một thứ làm họ trở nên hùng mạnh và phồn thịnh như vậy, rồi họ bắt đầu học tập văn hóa của người Mỹ.

Từ những năm 1950 trở đi, với chính sách “Toàn cầu hóa”, Hoa Kỳ đã bắt đầu mang văn hóa của mình đi phổ biến khắp nơi, Nhật Bản là một trong số đó. Những bộ phim mang tính biểu tượng của những diễn viên điển trai như Marlon Brando trong “The Wild One” hay James Dean với bộ phim “Rebel Without A Cause” đã tạo nên hình ảnh đáng mơ ước của thanh niên Nhật Bản lúc bấy giờ.

Trong âm nhạc, những hình tượng như Elvis Presley hay The Beatles cũng nhanh chóng trở thành thần tượng mới tại đây. Những cây ghi-ta điện của Fender Telecaster, Stratocaster hay những chiếc xe với thiết kế cực kỳ cuốn hút như Chevrolet Bel-Air, Ford Thunderbird cũng là biểu tượng của thời kỳ này. Chính những văn hóa đại chúng của nước Mỹ phồn thịnh liên tục xuất hiện trên màn ảnh ti-vi đã trở thành khát vọng của người Nhật.

Có một sự thật thú vị là khi đến Nhật Bản ta sẽ thấy người Nhật lái xe bên trái và tay lái được thiết kế nằm bên phải xe, một đặc điểm của miền Nam California.

Đi sâu hơn một chút về khía cạnh xã hội, Nhật Bản tuy phát triển nhưng vẫn là nước mang tư tưởng phương Đông. Nghĩa là ở Mỹ, người ta sẵn sàng làm thêm giờ để có thêm thu nhập nhưng ở Nhật, người ta sẽ có trách nhiệm và lợi ích với gia đình, tổ chức hay cộng đồng hơn. Xu hướng này đã tác động lớn tới tình yêu dành cho nghệ thuật và giải trí của người Nhật. Hình tượng của Hoa Kỳ mang tới Nhật là một lối sống phiêu lưu, nổi loạn và nhiều sự thú vị – cái mà nhiều người dân tại đất nước hoa anh đào này không có cơ hội trải nghiệm. Tìm tới thời trang, phim ảnh hay những hoạt động khác như motor, camping… cũng là cơ hội để họ nếm trải hương vị của cuộc sống ấy.

Nhân tiện nói về motor và ghi-ta điện, Nhật Bản đang là một trong những quốc gia có lượng người sưu tầm ghi-ta điện nhiều nhất thế giới. Chắc hẳn, những bạn từng đam mê văn hóa Nhật Bản cũng đã nghe về điều này. Với Motor, dường như đó là một trong những thứ đã làm nên tên tuổi người Nhật sau Denim. Những thương hiệu thời trang Nhật Bản lấy cảm hứng từ những chiếc xe motor cũng đã khẳng định tên tuổi của mình trong ngành thời trang thế giới.

Trong lĩnh vực thời trang, những chiếc quần jeans với chất liệu denim, là thứ mà giới trẻ Nhật Bản hướng tới. Chiếc quần Jeans vừa mang tính hội nhập, trẻ trung, năng động mà lại vừa đơn giản, bền, tiện dụng cho mọi thành phần và độ tuổi.

Denim dường như đã trở thành một nét văn hóa của người Nhật khi ra đấu trường quốc tế. Họ là những người đi sau, học tập văn hóa Hoa Kỳ nhưng họ đã biến nó thành của riêng mình với những hướng đi độc đáo kết hợp văn hóa truyền thống. Nhật Bản đã cô đọng tinh thần khát khao tự do và vươn tầm của họ để truyền đạt cho thế hệ sau và thế giới.

Câu chuyện Nhật Bản chọn lấy văn hóa Mỹ đương thời để xây dựng đế chế thời trang của riêng mình là minh chứng cho thấy cái đẹp luôn được đề cao và chúng có thể được pha trộn, kết hợp bởi những gì tuyệt vời nhất của thế giới với tính tuyền thống và văn hóa đặc trưng của mình.

Nguồn: Streetvibe/ Đặng Nhật – Vietnam Vintage Community

Xem thêm: Điểm mặt những món đồ hiệu tiền tỷ Binz sử dụng trong MV “Bigcityboi”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *