Archival fashion, dịch ra là Thời trang lưu trữ, là một khái niệm vừa mới lại vừa quen đối với cộng đồng thời trang. Trong những năm gần đây, cụm từ này ngày càng xuất hiện nhiều trong những bài viết hay diễn đàn mạng lớn nhỏ. Vậy thì Thời trang lưu trữ là gì? Cùng tìm hiểu về ý nghĩa và những đóng góp của Archival fashion với văn hoá thời trang hiện đại.
Thời trang là một vòng xoáy của thời gian. Các nhà thiết kế thường tham khảo lại những tác phẩm trước thời mình để lấy cảm hứng. Dù vậy, thế giới thời trang luôn tồn tại các dấu mốc để đời được coi như vô giá. Những đường cắt táo bạo, chất liệu mới lạ, kĩ nghệ thủ công độc đáo,… ngày nay đều là sản phẩm được khám phá ra bởi một ai đó trong quá khứ. Vì vậy, Archival fashion trở nên hiếm có, độc đáo và giá trị lịch sử cao. Có thể nói, đồ archive là một trong những bản tài liệu lưu trữ những sự kiện quan trọng trong dòng thời gian hữu hiệu nhất.
Dĩ nhiên, không dễ gì để sở hữu đồ archive. Người sưu tầm cần có một lượng kiến thức thời trang nhất định cũng như am hiểu về sự phát triển và thay đổi của xã hội. Không phải bất cứ một món đồ nào được sản xuất trong quá khứ đều được coi là Archive fashion. Tuỳ theo từng nhãn hàng mà đồ lưu trữ sẽ cần phải có một tuổi đời nhất định hoặc từng thuộc một bộ sưu tập nhất định. Những tiêu chuẩn này được định ra bởi cộng đồng đam mê Archive fashion nên cũng thường mang tính chất tương đối. Tất nhiên, có nhiều lý do đằng sau sự phát triển của phong trào archive gần đây.
Đầu tiên, Archive fashion đánh dấu thời điểm khi thời trang chưa bão hoà đến chóng mặt như hiện tại. Sự phát triển quá mạnh mẽ của Fast fashion – thời trang “ăn liền” được tiên phong bởi F21, Zara, H&M,… – đã hạ thấp các giá trị thẩm mỹ và tinh thần của ngành thời trang. Dần dần, các nhãn hàng chỉ tập trung sản xuất thật nhiều quần áo và dồn tiền quảng bá để tăng doanh thu. Mức giá rẻ đến giật mình của Fast fashion thực chất được đánh đổi với chất lượng kém, nhân công bèo bọt và lượng rác thải đáng lo ngại do người tiêu dùng tối ngày chạy theo xu hướng mới. Ít ai nhớ ra rằng các xu hướng đều được định đặt bởi các tập đoàn và doanh nghiệp thời trang. Càng có nhiều trend, họ càng kiếm thêm lời.
Thêm vào đó, Archive fashion được coi như một sự đầu tư thông minh. Đồ archive được bán rải rác trên các website và mạng xã hội. Thậm chí, nhiều người đã tìm được chúng tại… những hàng bán đồ si. Trừ những món cực kì quý hiếm, phần lớn Archive fashion có mức giá phải chăng so với xuất thân từ những thương hiệu cao cấp. Trong bối cảnh kinh tế phức tạp do COVID-19 năm 2020, người tiêu dùng đã cẩn thận hơn với tài chính cá nhân. Vì vậy, cộng đồng thời trang chọn đồ archive như một cách chơi tiết kiệm và được dịp chia sẻ kiến thức cho nhau. Nhiều người nổi tiếng cũng ra sức lăng xê cho Archive fashion để đánh dấu cho sự sành điệu và tầm hiểu biết thời trang của mình.
Tất nhiên, thời trang hiện đại vẫn hiện diện nhiều nét đặc sắc riêng. Không thể phủ nhận được sự sáng tạo và mong muốn đổi mới từ những tài năng trẻ như Marrine Serre, Craig Green, Samuel Ross, Iris van Herpen,… Hơn nữa, những tượng đài Rei Kawakubo, Jun Takahashi, Raf Simons, Rick Owens,… vẫn đang tiếp tục cống hiến hết mình. Dù vậy, Archive fashion sẽ luôn có sức hút riêng với người yêu thời trang bởi kho tàng kiến thức vô tận cũng như sự kích thích của việc được chứng kiến và cảm nhận tính đột phá vô biên của những người nghệ sĩ qua từng món đồ.
Hãy cùng Sneaker Daily điểm qua một vài thương hiệu tiêu biểu của Archive fashion:
Helmut Lang
Nhãn hàng đồng tên với người sáng lập đến từ Áo được coi như một trong những nhân tố mang tính cách mạng mạnh mẽ của ngành thời trang. Helmut Lang được biết đến với hình ảnh unisex tối giản. Đặc biệt, ông là người đầu tiên đã đưa quần jeans lên sàn runway, bởi vào thâp niên 90 thì denim vẫn được coi là một chất liệu quá bình dân so với thời trang cao cấp. Helmut Lang cũng nổi tiếng với tầm nhìn hiện đại. Ngoài những thiết kế mang tính đi trước thời gian, ông cũng tiên phong cho việc live stream các màn trình diễn và ra sức thúc đẩy marketing. Người hâm mộ Helmut thường săn tìm đồ archive từ năm 2003 trở lại, đặc biệt là những món đồ cắt xẻ độc đáo, đồ denim và đồ bondage tối giản.
Carol Christian Poell
Những năm gần đây, có một số lượng người nhất định đam mê thời trang tối màu được sản xuất thủ công. Trong đó, nhãn hàng Carol Christian Poell (CCP) nổi bật hơn cả. Những thiết kế của CCP khá đơn giản nhưng điều khiến cho chúng trở nên khác biệt nằm ở chất lượng ít ai sánh được. Với sự áp dụng những phương pháp thủ công mới lạ trên chất liệu chủ đạo là da, sản phẩm của CCP thường được ví như những bộ giáp. CCP cũng không chạy theo bất cứ một xu hướng mới nào và cũng gần như không chỉnh sửa các thiết kế đặc trưng của mình. Thứ duy nhất thay đổi ở thương hiệu này là sự bền vững ngày càng đi lên cũng như dấu ấn ngày một lớn mạnh trong cộng đồng thời trang.
Yohji Yamamoto
Cái tên Yohji Yamamoto đã không còn xa lạ gì với người yêu thời trang. Những thiết kế của huyền thoại xứ phù tang nổi tiếng với nphom dáng dài rộng trên nền đen chủ đạo. Những bộ sưu tập đầu của ông chứa đầy những thông điệp gây tranh cãi liên quan đến tình dục và tâm lý. Để lý giải cho điều này, giới điệu mộ chú ý đến việc Yamamoto thuộc về thế hệ trẻ Nhật lúc bấy giờ giận dữ do bị kỳ vọng vào quá nhiều sau chiến tranh Mỹ-Nhật. Dù vậy, chính sự nổi loạn đã làm nên dấu ấn cho Yohji Yamamoto. Bằng sự tài tình của mình, ông thoả sức tạo nên những sàn diễn mang đậm những lý tưởng và cảm xúc của bản thân.
Céline
Chính xác hơn thì Old Céline – Céline năm 2008-2018 – mới là thứ được giới archive săn lùng nhiều nhất. Trước đó, Céline đang trên đà xuống dốc do giới thời trang đã quá chán nản với những thiết kế nữ tính quá đà của hãng. Khi được bổ nhiệm, thay vì sự rườm rà đến mức chế nhạo, Philo gây dựng nên hình ảnh người phụ nữ hiện đại, năng động và không chịu nhún nhường trước nam giới. Thông điệp này đánh trúng tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng, biến Old Céline thành thời kì hoàng kim cho hãng. Thậm chí, khi Philo từ chức và nhường lại vị trí cho Hedi Slimane, người hâm mộ đã phản đối tới mức Céline phải dựa vào sản phẩm cho nam giới để bù đắp lại những tổn thất từ dòng đồ nữ.
Xem thêm: Thời trang Y2K là gì? Sự trở lại của phong cách những năm 1999 – 2000.
Trả lời