Nếu như chất liệu, phom dáng làm nên hình hài của một sản phẩm thì artwork chính là linh hồn mang đến sự khác biệt cho sản phẩm ấy. Thế nhưng, bạn có biết ai là người đứng sau và chịu trách nhiệm cho một mẫu artwork được ra mắt? Hay một thương hiệu tươm tất, chỉn chu về hình ảnh là thành quả lao động từ ai?
Để hiểu rõ hơn về công việc của một Art Director, những người âm thầm tạo nên linh hồn cho một thương hiệu và các thiết kế tại đây, hãy cùng trò chuyện với Phan Anh – chàng trai trẻ tuổi và rất “ngầu” không chỉ bởi vẻ bề ngoài đến từ local brand streetwear được giới trẻ yêu thích bậc nhất Việt Nam hiện nay Dirty Coin – thương hiệu mới đây đã ăn mừng sự kiện đạt 900 nghìn follower trên Instagram.
Công việc hàng ngày của một Art Director…
Phan Anh không dám nhận bản thân là một Art Director, bởi đây là công việc khá bao quát, yêu cầu người đảm nhận vị trí này không chỉ phải vững vàng về kiến thức chuyên môn, mà còn am hiểu sâu rộng ở đa dạng lĩnh vực.
Còn đối với công việc của Phan Anh tại Dirty Coin thời điểm hiện tại, có thể tạm chia thành hai hạng mục chính: Lên design, giám sát thiết kế những sản phẩm mũi nhọn và Quản lý hình ảnh thương hiệu. Cụ thể, Phan Anh sẽ là người đưa ra định hướng về phong cách, xu hướng cho những bộ sưu tập (BST) mới của Dirty Coin. Sau đó làm việc cùng design team để đưa ra mood board cuối cùng, và sâu sát toàn bộ quá trình thi công nhằm đảm bảo thành phẩm cuối cùng khi ra mắt phải hoàn thiện và chỉn chu nhất.
Bên cạnh đó, Phan Anh cũng là người chịu trách nhiệm chính cho đầu ra tất cả những hình ảnh của Dirty Coin. Từ look book, video, đến visual social Phan Anh đều là người đưa ra định hướng và kiểm duyệt cuối cùng.
Sản phẩm ĐẸP là sản phẩm được nhiều người đón nhận
Đối với Phan Anh, khi làm về thời trang và đặc biệt là local brand, điều quan trọng nhất chính là khả năng nắm bắt, am hiểu, tôn trọng và quan tâm đến những gì khách hàng muốn. Khiến mọi người tự hào khi khoác lên người các thiết kế của Dirty Coin chính là đích đến cuối cùng của mình khi bắt đầu bất kỳ ý tưởng mới nào.
Ở cương vị của một người làm sáng tạo, bạn phải có khả năng trung hòa giữa cái đẹp và thị hiếu. Cái đẹp mà Phan Anh hướng tới chính là sự đón nhận của số đông. Phải có nhiều người sử dụng, am hiểu và “chơi” cùng thì đó mới là sản phẩm thành công. Bởi những điều mình làm ra không chỉ để phục vụ cho nhu cầu cá nhân. Một sản phẩm làm ra dù đẹp, nhưng không ai hưởng ứng thì với Phan Anh là thất bại.
Một Art Director không nên “cố chấp” với phong cách của chính mình
Thời trang là một ngành rất trending, đòi hỏi mọi người phải luôn chuyển động để nắm bắt cơ hội. Và thời trang cũng là một ngành đòi hỏi sự thay đổi, biến hóa liên tục. Do đó khi làm việc ở lĩnh vực này, phong cách của một người không nên quá cứng nhắc. Sở dĩ Dirty Coin được yêu thích như hiện tại là bởi khả năng “tắc kè hoa”, thích ứng linh động theo những thay đổi của dòng chảy xu hướng. Như đã chia sẻ ở trên, làm thời trang nói chung và local brand nói riêng, đôi khi bạn phải biết cân bằng giữa yếu tố nghệ sĩ và thị trường. Không nên quá “cố chấp”, mà hãy thử sức với nhiều phong cách khác nhau, để tránh sự nhàm chán cho chính mình và khách hàng.
Nói riêng về phong cách cá nhân, Phan Anh giành một sự ngưỡng mộ lớn đối với Virgil Abloh – founder thương hiệu từng nhiều lần đánh bật Gucci hay Louis Vuitton để trở thành brand được săn đón nhiều nhất thế giới. Ông cũng là một người đề cao tính đương đại trong thiết kế, và đó cũng chính là style chủ đạo mà Phan Anh theo đuổi. Các thiết kế của Phan Anh luôn xoay quanh người mặc, và được điều chỉnh để phù hợp với thị trường để khách hàng tỏa sáng nhất.
Việc không có điểm đặc trưng riêng, không có một phong cách nhất định là điểm trừ nhưng đồng thời cũng chính là điểm cộng. Trung thành với một phong cách đôi khi sẽ khiến bạn trở nên một màu và dễ đoán. Đã không ít lần Phan Anh tự hỏi bản thân có bị “thương mại hóa quá không?” Nhưng khi tiếp xúc với những người trong cộng đồng, Phan Anh tin vào những gì mình và Dirty Coin làm là hướng đến giá trị cốt lõi của văn hóa cộng đồng. Đó là có nhiều người dùng và yêu thích nó.
Art Director và những góc khuất
Bên cạnh những hào nhoáng, lung linh bề ngoài thì phần chìm của tảng băng trôi trong nghề Art Director chắc chắn là áp lực. Sau gần 3 năm gắn bó, chuyện cày cùng lúc nhiều project, chạy deadline xuyên đêm, hay “khủng hoảng” trong những lần artblock, không hài lòng với bất kỳ sản phẩm nào làm ra là điều thường gặp như cơm bữa. Không chỉ đẹp, sản phẩm làm ra còn phải bán được. Chính vì vậy, áp lực về mặt KIP, doanh số là điều không thể tránh khỏi. Ở vị trí Art Director, bạn còn là người “đứng mũi chịu sào”, thường xuyên làm việc với rất nhiều người, thuộc nhiều bộ phận khác nhau. Do đó, câu chuyện về điều hành, quản lý nhân sự cũng là điều bạn nên lường trước khi muốn theo đuổi công việc này.
Tuy nhiên, không có công việc nào là dễ dàng và có thể nhởn nhơ. Thuyền càng to, sóng càng lớn. Việc tự cảm thấy áp lực theo Phan Anh là biểu hiện của sự tâm huyết trong công việc. Vì chỉ khi ai đó thật sự nghiêm túc, mong muốn cống hiến và tạo nên những giá trị tốt đẹp thì họ mới tự làm khó bản thân. Áp lực lúc này đồng thời cũng là một dạng động lực để thúc đẩy bản thân và cả team đến sự hoàn thiện.
Art Director và những lần artblock…
Khi thiết kế, đừng tự cô lập bản thân trong một không gian, phải đi nhiều, xem nhiều. Do đó, nguồn cảm hứng của Phan Anh đến từ rất nhiều nơi như: Văn hóa hiphop, phim ảnh, các show thời trang, những thước phim hoạt hình Anime, Carton Network, Disney…Tất cả đều là chất liệu bồi đắp từng ngày vào khả năng sáng tạo của Phan Anh.
Làm việc trong môi trường sáng tạo nói chung, và Dirty Coin nói riêng dĩ nhiên sẽ không tránh khỏi tình trạng “artblock” – cạn kiệt ý tưởng. Chất xám cũng là tài nguyên hữu hạn, sẽ bị mai một khi chúng ta làm việc quá nhiều, căng thẳng quá độ. Những lúc như thế, Phan Anh thường chọn cách sống chậm lại, tìm đến những chuyến du lịch cùng với người hiểu mình và tận hưởng khoảnh khắc ấy trọn vẹn nhất có thể. Sau đó, mọi thứ sẽ lại được tái tạo và chúng ta sẽ trở về cùng những ý tưởng hay ho nhất.
Để trở thành Art Director, bạn cần gì?
Như đã đề cập trước đó, nếu muốn trở thành Creative Director, Phan Anh nghĩ trước tiên phải là người có kiến thức bao quát, không chỉ biết một thứ mà am tường nhiều hạng mục công việc khác nhau, từ chụp hình, vẽ, branding và cả quản lý con người. Đồng thời là người có kiến thức về thời trang, multi media và nhạy trong việc nắm bắt xu hướng.
Art Director là người “đứng mũi chịu sào” trong tất cả mọi hoạt động sản xuất hình ảnh của một thương hiệu, do đó phải có khả năng nắm bắt, thấu hiểu giá trị cốt lõi của brand. Art Director cũng là người chịu trách nhiệm dẫn dắt cả team đi đúng theo định hướng chung. Do đó, nếu kiến thức không đủ vững vàng, những người ở dưới sẽ không học hỏi và khó có thể đồng hành cùng nhau trong một chặng đường dài. Là một Art Director, bạn không thể làm việc mà thiếu đi tập thể. Bạn phải phối hợp với nhiều người, làm việc chung, nói chuyện chung, phải tạo cảm giác tin tưởng để mọi người cùng nhau đồng lòng tạo nên những giá trị tốt nhất cho brand.
Art Director nói riêng và sáng tạo nói chung là công việc đầy triển vọng, đặc biệt ở phân khúc thời trang streetwear đang ngày càng đi lên như hiện tại. Bên cạnh đó, đây cũng là công việc không chỉ thuần hướng đến giá trị thương mại, mà còn gắn liền với việc kết nối và xây dựng một cộng đồng trẻ văn minh, tử tế.
Xem thêm: Dirty Coin sale 70% ăn mừng 900k follower trên Instagram
Theo: Dosi-in
Trả lời